Gãy đầu dưới xương quay cổ tay phải, trái: Nguyên nhân, điều trị
Gãy đầu dưới xương quay là một trong các chấn thương xương thường gặp ở tay chủ yếu do té ngã ở người lớn tuổi hoặc chấn thương ở người trẻ.
Gãy đầu dưới xương quay là một trong các chấn thương xương thường gặp ở tay. Chấn thương này thường do té ngã ở người lớn tuổi hay tai nạn ở người trẻ tuổi. Người bị thương cần được thăm khám và có biện pháp can thiệp sớm, ngăn ngừa tiến triển nặng.
Đầu dưới xương quay là một vùng xương xốp, nằm trong giới hạn một đoạn khoảng 2 – 2,5cm tính từ mặt khớp cổ tay, gồm xương xốp với những bè xương xếp theo hướng vuông góc với mặt khớp. Điều này có thể thấy rõ trên phim x-quang.
Gãy đầu dưới xương quay là gì?
Gãy đầu dưới xương quay là hiện tượng đầu dưới của xương quay của cổ tay xuất hiện các vết nứt hoặc bị gãy. Chấn thương này là loại gãy xương thường gặp nhất, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi. (1)
Đầu dưới xương quay bị gãy thường xảy ra khi người bệnh ngã chống tay với bàn tay duỗi thẳng quá mức. Tùy theo lực tác động, người bệnh có thể chỉ gãy xương quay hay gãy cả xương trụ. Xương quay gãy sẽ gây biến dạng cổ tay, đau tức thì, cứng và không cử động được cổ tay. Vài giờ sau chấn thương, tình trạng sưng và bầm tím sẽ xuất hiện rõ ràng hơn.
Nguyên nhân gãy đầu dưới xương quay
Tư thế ngã chống tay với cổ tay duỗi quá mức là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chấn thương này. Nguyên nhân này chiếm 75 – 80% trường hợp gãy đầu dưới xương quay, chủ yếu xảy ra do tai nạn sinh hoạt, giao thông và thể thao. (2)
Ở người trẻ và khỏe mạnh, té ngã xe đạp hay va chạm xe có thể tạo lực lớn làm tăng áp lực lên đầu dưới xương quay, gây gãy xương. Ngoài ra, người bệnh lớn tuổi, loãng xương cũng có khả năng gãy xương từ một lần ngã nhẹ.
Một số trường hợp khác bị gãy xương quay cổ tay là do bị đánh hay có lực lớn tác động trực tiếp lên cổ tay và đoạn dưới cẳng tay. Chấn thương này cũng có thể xảy ra do tai nạn lao động.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ chấn thương bao gồm:
Loãng xương: Bệnh khiến xương trở nên mỏng manh, rất dễ gãy. Tình trạng này có thể dẫn tới gãy cổ tay hay gãy đầu dưới xương quay chỉ sau một cú ngã nhẹ.
Tuổi tác: Chấn thương này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy vậy, tình trạng này thường gặp ở trẻ em và người trên 50 tuổi.
Vận động viên: Vận động viên hoặc những người thường xuyên chơi những môn thể thao có tính đối kháng có nguy cơ gãy xương cao hơn.
Phân loại gãy đầu dưới xương quay
Dựa theo sự di lệch, gãy đầu dưới xương quay được phân thành:
1. Gãy Pouteau – Colles
Đây là kiểu gãy phía trên khớp quay – tụ cốt, với di lệch điển hình:
Xuất hiện tình trạng di lệch ra sau, ra ngoài và lên trên ở đoạn ngoại vi.
Thường gặp ở người cao tuổi (do thưa xương), có thể gặp người trưởng thành.
2. Gãy Smith
Gãy gập góc tại đầu xa của xương quay với tình trạng biến dạng do đầu dưới xương quay không đúng vị trí giải phẫu.
Cơ chế chấn thương là do ngã cổ tay và cẳng tay bị gập ở tư thế cố định.
Đây là kiểu gãy không vững điển hình, đòi hỏi can thiệp phẫu thuật để nắn chỉnh ổ gãy. Bởi đây là kiểu gãy khó không thể nắn chỉnh kín được.
Dấu hiệu gãy đầu dưới xương quay cổ tay trái, phải
Khi gãy đầu dưới xương quay, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: (3)
Đau ngay lập tức.
Cổ tay xuất hiện cảm giác đau nhói từ sâu bên trong.
Mức độ đau theo thời gian có xu hướng tăng dần và không giảm ngay cả trong lúc đang nghỉ ngơi
Sưng tấy.
Bầm tím xung quanh vị trí tổn thương.
Bị co cứng ở khuỷu tay.
Không thể thực hiện các cử động tại cổ tay và cẳng tay bị thương.
Biến dạng:
Khi nhìn thẳng, bàn tay sẽ vẹo ra phía ngoài, trục ngón tay không di qua ngón giữa mà đi qua ngón áp út hay ngón út. Bờ ngoài cẳng tay và bàn tay tạo thành hình lưỡi lê.
Khi nhìn nghiêng, bàn tay lệch ra phía sau, đầu ngoại vi gồ ra sau tạo nên hình lưng đĩa ở trên khớp cổ tay.
Phương pháp chẩn đoán
Trước khi thăm khám, người bệnh cần được xử lý gãy xương đúng cách nhằm ngăn di lệch, có thể bao gồm sử dụng nẹp vải, nẹp bột hoặc bó bộ. Các biện pháp này sẽ giúp bất động cẳng tay và bàn tay.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng kỹ lưỡng kết hợp một số chẩn đoán hình ảnh để xác định tình trạng gãy và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
1. Kiểm tra lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng lâm sàng để xác định rõ hơn về tình trạng gãy xương, cụ thể:
Vị trí gãy và mức độ đau.
Đau nhói ở đầu dưới xương quay khi ấn vào.
Có biến dạng ở cổ tay.
Sưng và bầm tím ở khu vực tổn thương.
Tê bì ở ngón tay (nếu có).
Giảm hay mất khả năng vận động cổ tay.
Có tiếng kêu lạo xạo ở khớp khi cử động.
Khi thực hiện các động tác gấp duỗi và sấp ngửa, dễ nhận thấy sự hạn chế trong di chuyển.
Dấu hiệu Laugier: Mỏm trâm bị quay lên cao. Một số trường hợp mỏm trâm quay ngang bằng mỏm trâm trụ.
Dấu hiệu Bayonet: Người bệnh duỗi thẳng khuỷu tay sẽ thấy có biến dạng hình lưỡi lê.
2. Chẩn đoán hình ảnh
Sau khi kiểm tra lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh để xác định kiểu gãy và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy đầu dưới xương quay, cụ thể:
Chụp x-quang: Phương pháp này cho biết xương có bị gãy không, vị trí gãy, sự di lệch của những mảnh xương hay hai đầu xương gãy. Ngoài ra, kết quả x-quang còn giúp xác định kiểu gãy, bao nhiêu xương ảnh hưởng và các biến dạng bên trong.
Chụp CT: Phương pháp này cung cấp hình ảnh 3D của vùng xương gãy. Điều này giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng, tìm kiếm tổn thương tiềm ẩn, từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Chụp MRI: Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện nếu có tổn thương mô mềm hoặc gãy xương hở. Kết quả MRI cho phép bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương để lập phác đồ điều trị hiệu quả.
Biến chứng có thể gặp phải
Nếu trì hoãn điều trị, người gãy đầu dưới xương quay có thể đối mặt với các biến chứng như: (4)
Tổn thương thần kinh giữa: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Tổn thương thần kinh giữa tạm thời do đụng dập hay căng giãn quá mức liên quan tới loại gãy, mức độ di lệch ban đầu, nắn xương ban đầu. Ngược lại, chèn ép thần kinh giữa lâu dài thường do can lệch, đặc biệt là can lệch gập góc ra sau nhiều.
Rối loạn dinh dưỡng: Đây là hiện tượng rối loạn lưu thông máu cục bộ ở tay xuất hiện sau chấn thương hay viêm tấy.
Tổn thương gân: Tổn thương gồm viêm dính gân gấp và gân duỗi, đứt gân. Vận động sớm những ngón tay phải được chú ý để hạn chế dính gân, giảm phù nề mô mềm. Biến chứng thường gặp là đứt gân duỗi dài ngón cái. Nguyên nhân thường là do thiếu máu nuôi dưỡng cục bộ.
Cal lệch: Cal lệch thường xảy ra theo hướng di lệch ban đầu bao gồm gập góc, ngắn xương hoặc mất góc nghiêng trụ. Biến chứng này ảnh hưởng lớn đến sự truyền lực qua khớp cổ tay và khớp quay trụ dưới, gập góc về phía lưng quá mức sẽ làm hạn chế gập và duỗi quá mức, gây đau khớp quay cổ tay và bán trật cổ tay, đặc biệt là người vận động cổ tay nhiều.
Khớp giả: Đây là biến chứng hiếm gặp. Nguyên nhân bao gồm bất động không tốt, kéo xa những mảnh gãy quá mức trong cố định ngoài.
Phương pháp điều trị gãy đầu dưới xương quay
1. Điều trị bảo tồn
Chỉ định:
Gãy đầu dưới xương quay đơn thuần, ít di lệch hay gãy xương quay có kèm trật khớp quay trụ dưới.
Gãy kiểu Pouteau-Colles, Smith’s.
Gãy cành tươi ở trẻ em.
Người cao tuổi mắc những bệnh lý mạn tính không thực hiện được phẫu thuật.
Kỹ thuật:
Vô cảm: Tiêm một mũi giảm đau hay uống thuốc giảm đau trước khi nắn.
Phương pháp nắn chỉnh:
Cho người bệnh nằm ngửa, gấp khuỷu 90°.
Người phụ một tay nắm ngón cái, tay còn lại nắm ngón II-III-IV kéo thẳng trục để chỉnh di lệch chồng.
Người thực hiện nắm sát ngay trên chỗ gãy, 4 ngón tay của 2 tay vòng ra trước tỳ lên đầu gãy trung tâm để làm đối lực, trong khi 2 ngón tay cái đẩy đoạn ngoại vi ra trước. Đồng thời, người hỗ trợ cho gập cổ tay tối đa.
Người phụ kéo mạnh bàn tay vào trong kết hợp người nắn đẩy đoạn ngoại vi vào trong chữa di lệch ra ngoài.
Sau khi kiểm tra hết di lệch thì tiến hành bó bột từ 1/3T cẳng tay đến khớp bàn – ngón tay, bàn tay nghiêng trụ, để thẳng theo trục cẳng tay hay hơi duỗi hay hơi gấp khoảng 20-30° tùy theo kiểu gãy.
Để bột rạch dọc trong tuần đầu để hết nề, sau đó bó bột tròn kín để giữ ổ gãy.
Để bột tối đa 5 tuần.
2. Phẫu thuật
Phẫu được chỉ định cho các trường hợp gãy thấu khớp, gãy hở, có kèm gãy xương cổ tay, tổn thương mạch máu thần kinh và điều trị bảo tồn thất bại.
Xuyên đinh kirschner qua da
Kỹ thuật này được đề nghị lần đầu tiên bởi Lambotte vào năm 1908 bằng đinh kirschner qua mỏm trâm quay. Một vài thay đổi về vị trí, hướng xuyên đinh được nghiên cứu. Tuy nhiên, mục đích vẫn là cố định mảnh gãy vào vỏ xương đối diện của các loại gãy phức tạp.
Kỹ thuật phổ biến là Kapandji thường được chỉ định với gãy đầu dưới xương quay ngoại khớp. Phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện, thời gian phẫu thuật ngắn.
Thứ tự xuyên, vị trí xuyên cần chính xác để đảm bảo cố định xương tốt, cụ thể:
Đinh thứ nhất (mặt ngoài): Đây là điểm giữa cơ duỗi cổ tay quay ngắn ở trong và gân cơ dạng dài, duỗi ngắn ngón cái ở ngoài. Đầu tiên xuyên đinh vuông góc qua thành xương thứ 1, sau đó chếch một góc 45° sang thành bên kia.
Đinh thứ hai (mặt lưng): Đi vào giữa gân duỗi dài ngón I và duỗi ngón II, trong lồi củ Lister.
Đinh thứ ba: Có thể thêm đinh thứ ba, đi vào phía trong gân duỗi dài ngón I hay có thể giữa gân duỗi ngón IV, V.
Kết hợp xương nẹp vít
Phương pháp này hay được chỉ định ở những trường hợp gãy phạm khớp di lệch, gãy lún mặt khớp không thể nắn chỉnh hết bằng kéo liên tục. Kết hợp xương giúp cố định vững ổ gãy giúp cổ tay vận động sớm.
Dùng đường mổ Henry để bộc lộ ổ gãy.
Biện pháp phòng ngừa
Gãy đầu dưới xương quay chủ yếu do té ngã và tai nạn. Chấn thương này có thể được ngăn ngừa bằng các biện pháp sau:
Loại bỏ nguy cơ té ngã: Lắp đặt tay vịn dọc cầu thang, thận trọng trong mọi sinh hoạt, sử dụng thảm chống trượt…
Tránh ngã ở tư thế chống tay với bàn tay dang rộng quá mức.
Cẩn trọng khi lái xe.
Tập thể dục mỗi ngày để tăng sự linh hoạt và chắc khỏe cho các xương, tăng cường sức mạnh các cơ, nhờ đó giảm nguy cơ chấn thương.
Điều trị bệnh loãng xương tích cực để tăng chất lượng xương, ngăn tình trạng yếu dễ dẫn tới gãy xương.
Bổ sung đủ vitamin D và canxi thông qua chế độ ăn uống lành mạnh. Các dưỡng chất này giúp tăng mật độ khoáng xương và xương chắc khỏe, nhờ đó phòng ngừa gãy xương và loãng xương. Những thực phẩm chứa lượng canxi và vitamin D dồi dào gồm các loại rau lá xanh, nấm, cua, tôm, trứng, sữa, sữa chua, phô mai, các loại hạt, các loại đậu, cá hồi, cá trích, trứng cá muối, đậu nành… Thêm vào đó có thể tắm nắng sớm để tổng hợp vitamin D, giúp xương khỏe mạnh.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Gãy đầu dưới xương quay là chấn thương thường gặp, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, chấn thương này dễ gây đau, cứng khớp cổ tay và biến dạng xương sau điều trị. Do đó, ngay khi bị thương, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.