Nhà báo Đỗ Thế Hưng sinh ra và lớn lên ở thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên). Sau năm 1975, anh học Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và định cư ở đó.
Có lẽ đã ý thức về tuổi xế chiều, thương nhớ quê hương cùng những kỷ niệm tuổi thơ, gần đây anh thường đưa ra những vấn đề về Phố Hiến xưa và thị xã Hưng Yên những năm tuổi thơ anh.
Một chùm 6 ảnh đăng trên trang cá nhân đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân thị xã Hưng Yên, kể cả những người sống ở nước ngoài, cùng với khá nhiều lần “gọi” tên tôi đề nghị trả lời.
Thực ra, những tấm ảnh này tôi đã tiếp cận từ những năm còn công tác ở UBND tỉnh nhờ công nghệ thông tin. Tuy vậy, để tôi phải đi vào nghiên cứu sâu hơn thì “sự gọi tên” nhiều lần của anh chính là động lực.
Tưởng dễ mà không đơn giản, tôi đã mất cả tháng trời, đã cậy đến khá nhiều các chuyên gia ngành Văn hóa, những bậc lão thành sống lâu năm hiểu về Phố Hiến, những nhà dịch thuật, kể cả Giám đốc Sở Xây dựng và Trung tâm Quy hoạch Xây dựng tỉnh… Những bức ảnh không quá xa về thời gian, không quá khó vì ở ngay quanh ta.
Vậy tại sao khó? Xin thưa, đó là điều mà chúng tôi thường gặp phải khi nghiên cứu Phố Hiến. Do Phố Hiến trải qua quá nhiều thăng trầm; tài liệu lưu giữ về Phố Hiến thời thịnh vượng; cuộc nội chiến khi Phố Hiến chuyển sang giữ vai trò đồn binh khoảng thế kỷ XVIII; tài liệu về quá trình “Tiêu thổ kháng chiến” từ tháng 12.1946 đến tháng 12.1949; giai đoạn Pháp chiếm đóng lần 2 từ đầu năm 1950 đến 5.8.1954 ta tiếp quản lại thị xã Hưng Yên và ngay cả gần đây nhất, những năm cuối 70, đầu 80 của thế kỷ XX khi người thị xã Hưng Yên kỳ thị với văn hóa tâm linh, đã làm mất đi khá nhiều di sản và hiện vật của Phố Hiến. Rồi mấy chục năm sáp nhập tỉnh, tái lập tỉnh tài liệu không lưu giữ được, rất ít ỏi, hoặc có nhưng khó thuyết phục.
Nói như vậy để mọi người đồng cảm, tiếp tục bổ sung hoặc chia sẻ nếu có chi tiết nào tôi đưa ra chưa thuyết phục.
Trong tổng số 6 ảnh, theo thời gian chúng tôi chia làm 2 giai đoạn. Ảnh 1 đến ảnh 5 là nhóm ảnh chụp cùng thời kỳ (thuộc Pháp lần thứ nhất) và đều được chú thích bằng Pháp ngữ, có ảnh đã được dùng làm tem thư, bưu thiếp. Thời kỳ đó người Pháp và những người văn minh thuộc địa thường có thú chơi quý tộc. Có dịp đi tới đâu, họ chụp ảnh lồng bưu thiếp gửi cho người thân. Những ảnh này còn lưu giữ được đến hôm nay, cũng một phần nhờ lý do đó. Bức ảnh số 6 chụp thời gian gần chúng ta hơn, thời kỳ sau khi tiếp quản thị xã Hưng Yên.
Xin được phân tích, chú giải từng ảnh theo thứ tự đánh số từ 1 đến hết.
Ảnh 1: 169 Hưng Yên - Đằng Ngoài (Bắc Việt Nam). Xung quanh ngôi chùa cổ
Văn miếu Xích Đằng. Quanh khu này có đền Lạc Long Quân, chùa Nguyệt Đường, Văn miếu. Xa xa phía trái ảnh còn có Sinh từ Hoàng Cao Khải, nay đã là khu dân ở, hiện còn một số kiến trúc và hiện vật.
Góc phải, ngôi mộ cổ là Tháp mộ Hương Hải Thiền Sư (hiện trạng vẫn còn). Tuy chưa có nghiên cứu và khảo cứu, nhưng nghe nói có xá lỵ cụ.
Trọn vẹn Văn miếu Xích Đằng, có từ thời nhà Lê, được xây dựng lại những năm 1839 Minh Mạng, trên một phần nền (gần nửa diện tích) của chùa Nguyệt Đường.
Góc trái, Tam quan Văn miếu. Xa xa tấm ảnh, ta nhìn thấy trụ màu trắng ở cạnh là trụ biểu của giải vũ, đầu hồi nhà tiền tế, lầu chuông… Tường rào xây đồng bộ đẹp, có trụ đèn. Xưa, những dịp tế lễ đều thắp đèn trên các trụ.
Tất cả đều còn nguyên vẹn. Duy chỉ tường rào bị dân ở lấn và đã phá, nay ban Quản lý Di tích xây lại, nhưng không đúng nguyên bản.
Ảnh 2: 165 Hưng Yên - Bắc VN - chùa
Dễ nhận ra đây là Đền Mẫu linh thiêng (Hoa Dương Linh Từ) hàng trăm năm nay vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp trong 16 di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến.
Có 3 ảnh từ một ảnh gốc, được dùng trong các mục đích, chứng tỏ ngôi đền này đã rất nổi tiếng từ thời đó.
Trong ảnh có 2 cây lớn. Cây trước đền bên trái đã bị chặt, chắc do khi làm đường. Cây bên trong đền vẫn còn đến ngày nay và trở thành cây Di sản, góp phần tạo nên cảnh quan đẹp cho ngôi đền. Tuy vậy, khi xác định tuổi của cây 3 thân (đa, sanh, bàng) này, ta cần lấy hình ảnh cây trong ảnh để thêm căn cứ tham chiếu.
Ảnh 3: Hưng Yên - Phố Indigene - Cụm 8 - số 1. Indigene là tên phố và có nghĩa là bản địa
Đây là bức ảnh khó xác định nhất. Chúng tôi đã trưng cầu ý kiến của nhiều chuyên gia, cùng các bậc cao niên. Nội dung xin dẫn như sau:
Thời Pháp thuộc, cả tỉnh lỵ Hưng Yên chỉ có Phố Khách (đoạn Bưu điện - Bờ hồ) ăn về đường Phạm Ngũ Lão bây giờ, đến đền Phạm Ngũ Lão (bên kia là hiệu sách cũ) là sầm uất nhất.
Để xác định bức ảnh chụp ở đâu, chúng tôi đã dựa vào cây lớn ở cuối ảnh và hai ngôi nhà có mái cổ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã đi thám sát những con phố cũ: Phố Khách cũ, Trưng Trắc, Điện Biên 3, Phố Hiến Hạ … đều khó xác định. Những nhà lớn, nếu không phải là tôn giáo thì hầu hết đã bị tiêu thổ.
Xác định theo hướng phố Chợ thì có chợ Lớn (sau là chợ chiều), Đại Đồng bây giờ là chợ trung tâm của tỉnh. Những ngõ phố quanh chợ đều khá sầm uất.
Xác định qua môi trường dân cư cùng thời, phối hợp nhìn những cây lớn với phố xá hiện nay cũng là một hướng. Nhìn vào ảnh phía cuối bên phải có cây lớn, liên tưởng đến hiện trạng những cây cổ thụ trước đền Bà Chúa Kho.
Nhìn xuống mặt đường hẹp và có nhiều các hàng nan chính là đoạn Điện Biên 3 ngày nay. Đường Điện Biên 3 trước rất hẹp chỉ đến qua đền Bà Chúa Kho là hết, rồi đến khu nghĩa trang giáp đường xuống Phố Hiến Hạ. Mãi những năm 1960 mới mở rộng đường và nối dài phố như ngày nay. Đặc biệt đoạn phố này có nghề đan lát và hàng nan, nay vẫn còn.
Cũng xin nói thêm, trước kia chợ Lớn và ngã tư Điện Biên 3 - Phạm Ngũ Lão về là trung tâm phố chợ đông đúc. Còn Điện Biên 1 và 2 sau này mới có.
Qua phân tích và trưng cầu ý kiến các bậc cao niên, bức ảnh trên chụp đoạn phố từ chợ (Đại Đồng bây giờ) đến gốc Sanh, có thể là đoạn từ Bách hóa Tổng hợp cũ xuống gốc Sanh…
Ảnh 4 và 5: Cả 2 ảnh đều có chú thích khá rõ
Ảnh 4 (170): Hưng Yên - Bắc VN, Chợ Lớn
Đây chính là chợ Lớn của Hưng Yên. Chợ này trước kia nằm ở vị trí Đại Đồng ngày nay. Những năm của thế kỷ trước thị xã Hưng Yên cho xây chợ mới gọi là Chợ Phố Hiến, chuyển chợ Lớn cũ thành chợ chiều. Sau phân lô bán đất cho dân, chợ chiều về đoạn cuối đường Nguyễn Du, gần hồ Bán Nguyệt họp có tính tự phát, giờ đã được giải tỏa.
Ảnh số 5 (173): Hưng Yên - Bắc VN, Phiên chợ sáng
Cũng là dạng chợ tự phát kiểu hàng quà, họp ở ngã ba ngã tư mặt phố, cùng dãy và phía trước ảnh số 4, xung quanh chợ Lớn. Có thể là đoạn góc phố ngã tư Điện Biên - Phạm Ngũ Lão. Ảnh chụp từ góc vỉa hè chợ Lớn (có bo vỉa cẩn thận), cuối ảnh là dãy phố đường Phạm Ngũ Lão nhìn sang chợ Lớn.
Như vậy, qua những phân tích ở trên chúng ta có thể dựng lại chuyến thăm quan “trải nghiệm” của vị khách đồng thời là “Nhiếp ảnh gia” về thủ phủ tỉnh Hưng Yên năm xưa. Buổi sáng vị khách đến thăm chợ Lớn và chụp 3 tấm ảnh: Ngã tư, góc chợ, nơi bán hàng quà sáng nhìn sang dẫy bên kia đường Phạm Ngũ Lão (5); chụp dọc đường xuống gốc Sanh (3); và vào trong chợ Lớn (4). Tiếp đến vị khách thăm đền Mẫu (2) và thăm Văn Miếu (1), là 3 điểm đến thăm của vị khách được lưu trên 5 ảnh. Nhìn khung cảnh phố xá và trang phục của người dân, chúng ta nghĩ có thể từ thời kỳ đầu thuộc Pháp.
Ảnh số 6: Ảnh chụp từ trên cao thị xã Hưng Yên những năm sau tiếp quản
Bức ảnh tư liệu quý hiếm. Nhiệm vụ chúng tôi tự đặt ra là xác định khoảng thời gian chụp bức ảnh, vị trí máy ảnh và chú giải các công trình có trong ảnh.
Tuy đã sống ở thị xã Hưng Yên từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhưng tôi vẫn phải trưng cầu ý kiến của những người dân sống lâu năm ở mỗi khu vực, cùng sự vào cuộc của Giám đốc Sở Xây dựng, Trung tâm Quy hoạch Xây dựng tỉnh, Google maps, dựng lại sơ đồ mặt bằng vị trí...
-Về thời gian
Thời kỳ chưa có ảnh kỹ thuật số, việc người dân chơi ảnh tự chụp những bức ảnh như này rất hiếm. Lúc ấy thường chỉ chụp ảnh vào dịp có những sự kiện. Xét trình độ, tính chất của ảnh và góc máy chụp lớn, phải chăng đây là ảnh của Thông tấn xã Việt Nam chụp sự kiện quốc gia.
Nếu khả năng đó là đúng, cộng với sự xuất hiện các công trình trên ảnh, ta có thể xác định bức ảnh được chụp vào khoảng thời gian 1958 - 1961 khi chưa xây trụ sở UBHC tỉnh Hưng Yên, dịp Bác Hồ về thăm tỉnh Hưng Yên.
Ta đều biết Hưng Yên là tỉnh được đón Bác về thăm 10 lần. Có nhiều lý do, nhưng theo chúng tôi, trước hết do Bác quan tâm chỉ đạo công tác thủy lợi trong nông nghiệp. Hưng Yên có vị trí trung tâm các huyết mạch thủy lợi, là tỉnh làm tốt và có nhiều điển hình trong công tác thủy lợi.
Nghiên cứu về thời gian chụp tấm ảnh trên, ở đây ta chỉ quan tâm những lần Bác về thị xã Hưng Yên khoảng những năm 1958-1961. Vì sau đó thì khu nhà UBHC đã bắt đầu triển khai xây dựng. Những lần khác Bác về Hưng Yên, nhưng không về thị xã mà đi thăm công trường Bắc Hưng Hải hoặc huyện.
Theo đó, có 3 lần: 5.1.1958, 3.7.1958 và nhất là lần 3 (15-16.9.1961) Bác về thăm, nói chuyện tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc. Bác đã trao cờ “Làm Thủy Lợi Khá Nhất” cho Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên.
Do vậy, có nhiều căn cứ để xác định bức ảnh trên chụp những năm đó, dịp Bác Hồ về thị xã Hưng Yên. Đây là bức ảnh cũ nhất sau tiếp quản hiện có, chụp toàn cảnh một phần thị xã Hưng yên.
- Về vị trí máy ảnh
Dễ nhận thấy phần đuôi nhà thờ bên phải ảnh (1), sân vận động và sân khấu đồng thời là khán đài A, nơi những sinh hoạt chính trị lớn của tỉnh, nay là nhà thi đấu thể thao (3), nhà máy cơ khí 1.5 (2).
Sau khi vẽ lại sơ đồ mặt bằng theo bức ảnh, đối chiếu với Google Maps, chúng tôi đã xác định được bức ảnh chụp từ trên cao.
Vị trí máy ảnh sẽ phải là đoạn đầu của đường Trưng Trắc hướng ống kính về phía tây tây nam của thị xã, nơi phần lõi, trung tâm hành chính của tỉnh Hưng Yên những năm đó.
Ngày ấy, gần chùa Phố có Trung tâm Chiếu bóng, sân khấu nhà có nóc cao, cạnh đó là cái lô cốt. Người chụp ảnh có thể đứng trên nóc nhà này để chụp. Vì lúc đó có ít nhà cao, nên ta nhìn cảm giác thấy toàn cảnh. Ngoài ra, cũng có thể chụp bằng trực thăng. Vì theo kể lại thì đã có lần trực thăng bay về thị xã Hưng Yên và đỗ xuống Sân vận động thị xã. (Theo tôi thì ít khả năng, vì chụp trực thăng thì như chụp Flycam bây giờ, ảnh sẽ khác). Nhưng xác định vị trí bấm máy, thì ở điểm như chúng tôi vừa đề xuất ở trên, nay là vị trí của Ban Quản lý Khu đại học Phố Hiến.
- Chú giải các công trình có trong ảnh
Khi đã xác định được 2 yếu tố trên thì việc xác định các công trình có trong bức ảnh không còn khó khăn nữa, dần dần hiện lên khá rõ. Chúng tôi đã đánh số các công trình ngày nay vẫn còn từ 1 đến 11: Nhà ty Công an tỉnh, Khu Tỉnh ủy, ngôi nhà Bác Hồ về ở và làm việc… Trong đó có khu đất trống trước mặt, đó là khu đất sau năm 1960 đến khoảng 1964 xây trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên.
Nhìn toàn cảnh một góc phía tây nam thành phố Hưng Yên những năm đó, có một số nhà mới xây dựng. Chỉ có nhà thờ là công trình cũ, còn lại đã mất do “Tiêu thổ kháng chiến” và những lý do khác.
Ngắm nhìn những bức ảnh cũ, chúng ta có dịp trở về với Phố Hiến, Hưng Yên hàng vài chục, hàng trăm năm trước.
Những bức ảnh rất hiếm hoi và rất quý giá, nhất là với những người tuổi đã đến xế chiều như nhà báo Đỗ Thế Hưng và chúng tôi.
Nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên, 25 năm tái lập tỉnh; chúng ta có thể hoài niệm về quá khứ, có thể tiếc nuối về một thời vàng son Phố Hiến; nhưng chúng ta cũng sẽ tự hào về quê hương đã khác xưa quá nhiều. Nhất là mới chỉ 25 năm sau ngày tái lập, bất cứ ai đã từng sống ở thị xã Hưng Yên thời những năm 1996 trở về trước đều có quyền cảm thấy hạnh phúc và tự hào về quê hương Hưng Yên, Phố Hiến của chúng ta.
TS Nguyễn Khắc Hào
Admin
Link nội dung: https://pi-web.eu/di-tim-loi-chu-giai-cho-nhung-tam-anh-pho-hien-hung-yen-xua-1735766111-a2504.html