Ngũ hổ tướng của Việt Nam: Tài giỏi ngang 5 mãnh tướng nhà Thục Hán

Admin
Nếu Tam Quốc có “Ngũ hổ tướng” phò trợ Lưu Bị và Thục Hán thì ở Việt Nam cũng có 5 vị tướng vang danh lịch sử dưới trướng Trần Hưng Đạo, là công thần của nhà Trần lúc bấy giờ.

Lưu Bị được rất nhiều anh hùng hào kiệt thời Tam Quốc theo phò trợ. Trong số đó, “Ngũ hổ tướng” có lẽ là quen thuộc nhất. 5 vị tướng này bao gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung. Cả 5 người đều võ công cao cường, tài trí hơn người và trở thành hình tượng vĩnh cửu trong võ thuật. Thậm chí, Quan Vũ còn được phong là võ thánh, ngang hàng với văn thánh Khổng Phu Tử.

"Ngũ hổ tướng" của Việt Nam: Tài giỏi ngang 5 mãnh tướng nhà Thục Hán- Ảnh 1.

Lưu Bị được rất nhiều anh hùng hào kiệt thời Tam Quốc theo phò trợ.

Có thể nhiều người không biết nhưng ở Việt Nam cũng có “Ngũ hổ tướng”. Họ là những anh hùng dân tộc, mãnh tướng dưới trướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo).

Quan điểm của Trần Hưng Đạo là nước lấy binh làm gốc, binh lấy tướng gốc, sĩ tốt lấy tướng làm chủ. Thế nên ông rất chú trọng việc tìm người hiền tài phò tá mình trên con đường binh nghiệp.

Trần Hưng Đạo nhận định, một người tướng tài phải có đủ 5 yếu tố là nhân, trí, dũng, tín, trung. Họ phải “cứng rắn mà không bị bẻ gãy, mềm mỏng mà không bị vày vò. Cho nên có thể dùng yếu để chống mạnh, dùng mạnh để chống cứng. Mềm mãi, yếu mãi thì sẽ bị tước đoạt. Cứng mãi, mạnh mãi thì sẽ bị thất bại. Không cứng, không mềm, biết nhu, biết cương mới là lẽ thường của đạo”.

Lúc bấy giờ, “Ngũ hổ tướng” của Trần Hưng Đạo là những cái tên vô cùng quen thuộc, lưu danh ngàn năm đến tận bây giờ: Yết Kiêu, Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô.

"Ngũ hổ tướng" của Việt Nam: Tài giỏi ngang 5 mãnh tướng nhà Thục Hán- Ảnh 2.

Yết Kiêu có lẽ là cái tên đặc biệt và gây chú ý nhất. Ông tên thật là Phạm Hữu Thế (1242 – 1303), quê ở làng Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).

Yết Kiêu được mệnh danh là ông tổ ngành bơi lội, “đặc công nước” đầu tiên của Việt Nam. Ông có khả năng bơi lội như cá, vô cùng linh hoạt khi xuống nước. Tương truyền ông có thể lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất, mò cua bắt cá cả ngày không sao.

Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, Yết Kiêu mặc trời giá rét vẫn đêm đêm lặn xuống biển đục đáy thuyền giặc, khiến chúng vô cùng hoảng loạn. Một lần nọ giặc giăng lưới bắt được Yết Kiêu rồi hỏi: “Nước mày có được bao nhiêu người có tài bơi lội như mày?”.

Đáp lại, ông nói: “Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi chẳng may bị bắt. Nếu các ông thả tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt” . Nào ngờ nhân cơ hội giặc không chú ý, Yết Kiêu đã nhảy xuống biển trốn về doanh trại.

"Ngũ hổ tướng" của Việt Nam: Tài giỏi ngang 5 mãnh tướng nhà Thục Hán- Ảnh 3.

Trong khi đó, Dã Tượng là người có tài thuần phục voi, cũng xuất thân gia nô nhà Trần Hưng Đạo như Yết Kiêu. Dã Tượng là người chỉ huy voi chiến đấu với ngựa chiến trong trận Vạn Kiếp.

Cao Mang thì sao? Tên đầy đủ của ông là Lư Cao Mang. Ông vô cùng trung thành với Trần Hưng Đạo, đã góp công lớn trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Chúa Trịnh Doanh từng đề tặng vị tướng này câu nói: “Vì dân vì nước gánh gian lao” khi về thăm quê hương Đồng Mai, Nam Định của ông.

"Ngũ hổ tướng" của Việt Nam: Tài giỏi ngang 5 mãnh tướng nhà Thục Hán- Ảnh 4.

Người thứ tư là Nguyễn Địa Lô. Ông có tài bắn cung bách phát bách trúng, xứng danh “thần tiễn” lúc bấy giờ. Năm xưa chính Nguyễn Địa Lô đã bắn chết tên phản nghịch Trần Kiện.

Người cuối cùng là Đại Hành, có rất ít tài liệu ghi chép về người này. Những gì hậu thế biết được chỉ đơn giản là ông xuất thân là gia nô, cận vệ trung thành của Hưng Đạo Đại Vương. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Đại Hành có đóng góp đáng kể.

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)