Trong thế giới thơ Ức Trai - một bậc đại Nho có rất nhiều tùng, cúc, trúc, mai như là tất yếu, nhưng sao lại "mọc" lên một cây chuối quê kiểng, dân giã? Chắc chắn có lý do riêng. Nhìn từ "liên văn hóa" (intercultural), soi chiếu vấn đề từ các mối liên hệ chiều dọc (lịch đại) và chiều ngang (đồng đại) may chăng sẽ sáng lên những ý nghĩa mới?
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong thơ Đường Tống có tới hàng trăm bài viết về hình tượng này. Nhiều nhất là cảnh mưa rơi trên tàu lá chuối. Bạch Cư Dị trong bài "Mưa đêm" cũng có hai câu mở đầu: "Cách song tri dạ vũ/ Ba tiêu tiên hữu thanh" (Cách song cửa biết mưa đêm/ Lá chuối phát ra âm thanh trước). Đã có sự liên tưởng đọt chuối non như một cuốn sách, lại ở một nhà thơ nữ (Lý Thanh Chiếu 1084 - 1151) với bài "Ba tiêu" (Cây chuối): "Song tiền chủng đắc ba tiêu thụ/ Âm mãn trung đình/ Âm mãn trung đình/ Điệp điệp tâm tâm/ Thư quyển hữu dư tình/ Thương tâm chẩm thượng tam canh vũ/ Điểm trích thê thanh..." (Trước song có vài ba cây chuối/ Bóng phủ kín sân/ Bóng phủ kín sân/ Lá lá buồng tim/ Cuốn sách chứa chan tình/ Đêm mưa khuya trên gối buồn lòng khách/ Tí tách tiếng buồn...).
Thời xưa còn viết chữ vào thẻ tre, viết xong cuốn lại cho vào ống (ống quyển). Sự liên tưởng hình tượng và ý thơ trong bài cho thấy Lý Thanh Chiếu cũng vào hàng đại bút. Sau này, đến đời Thanh, đã có giấy viết nên không còn hình tượng "cuốn thư" (sách cuốn) nữa nhưng lại nhìn lá chuối như một tờ thư. Như trong bài "Ba tiêu" của Trịnh Khắc Nhu (1693 - 1765): "Chuối tơ mỗi lá một đa tình/ Một nõn bung xòe, một nhú sinh/ Tự gỡ tương tư còn chửa dứt/ Lại thêm mưa gió tiếng buồn tênh". Môtif chuối buồn đứng trong mưa lan từ thơ sang họa trở thành một chủ đề đậm trong hội họa cổ điển Trung Hoa, đến mức tạo ra trường phái "Vũ đả ba tiêu" (Mưa dội cành chuối).
Như vậy bài "Cây chuối" của Nguyễn Trãi, xét về thi liệu cũng không lạ, không mới. Nhưng có cái nhìn khác: "Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ màu thâu đêm...". Một cây chuối rất Việt Nam, tươi tốt, đầy sức sống vào mùa xuân! Nhưng rất có thể chịu ảnh hưởng từ bài "Vị triển ba tiêu" của Tiền Hử thời vãn Đường: "Đuốc lạnh không khói, ngọn nến xanh/ Nõn chuối thơm còn cuốn vì sợ cái rét xuân/ Phong thư còn giấu điều gì đó/ Gió xuân về lén mở ra xem".
Thời trước thủ pháp "tập cổ" là một quy luật giao lưu văn hóa. Nhưng ở bài "Cây chuối" của Nguyễn Trãi khác ở chỗ hình tượng cây chuối đón gió xuân ấm áp, nhất là cái nhìn "độc sáng" coi đó là bức thư tình thì rất mới. Xin nói thêm về hình tượng "buồng" có ba cách hiểu: buồng chuối, buồng văn, buồng trai gái mới cưới nhau. Hiểu "buồng văn" là căn cứ vào chữ "mầu" (mùi), ngày xưa đọc sách thánh hiền nên thường đốt hương trầm vừa để ấm phòng vừa tạo không khí thiêng liêng (!). Hiểu "buồng tân hôn" vì thường giã hồ tiêu có mùi thơm rồi trát lên tường vừa làm ấm vừa tạo kích thích giác quan... Thực ra để hiểu theo kiểu đa nghĩa vẫn thú vị hơn là cách hiểu vào "chữ nghĩa". Trong bản phiên âm, chữ "buồng" này có bộ "thảo" nghĩa là cây cỏ đứng trên chữ "phùng" nên chỉ buồng cây (chuối, cau...). Nhưng tại sao chuối non lại có "buồng" thì rất có thể nên hiểu Nguyễn Trãi "tả cụm chuối"!!!
Có lẽ thêm một đối sánh với bài thơ "Cây chuối" của Basho (1644 - 1694) trong văn chương Nhật Bản: "Cây chuối trong gió thu/ tiếng mưa rơi tí tách vào chậu/ ta nghe tiếng đêm". Bài thơ này được sáng tác năm 1681 khi Basho một mình trong túp lều với tâm trạng cô đơn vì thất tình. Cảnh vật không thể buồn hơn: đêm lạnh gió thổi, mưa rơi tạo thành tiếng trong chậu. Cô đơn cực điểm, con người hầu như chỉ sống bằng xúc giác (lạnh) và thính giác nên mới nghe thấy tiếng gió, tiếng mưa. Nỗi buồn xoáy vào trong, tất cả hầu như chìm đi để nổi lên "tiếng đêm". Nghe mà như không nghe. Bơ vơ, lạc lõng đến vô cùng! Bài thơ này chịu ảnh hưởng Đường thi sâu đậm hơn bài của Nguyễn Trãi!
So sánh với thơ thời trung đại Việt Nam nói về hình tượng này, chưa thấy bài nào sinh động, giàu ý nghĩa hơn thơ Nguyễn Trãi, như: "Dọc giơ gươm đẩu kinh cường khấu/ Lá cuốn cờ xuân tượng thái bình" ("Hồng Đức quốc âm thi tập" của vua Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn), hay "Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc/ Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên" (Chinh phụ ngâm) và: "Đêm phong vũ lạnh lùng có một/ Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh" (Cung oán ngâm khúc)...
Một bậc đại Nho, đại hiếu, đại nghĩa, một bậc trượng phu quân tử, một người yêu nước yêu dân vĩ đại như Nguyễn Trãi, tất yếu có mối liên hệ sâu sắc, bền bỉ với mạch ngầm văn hóa Việt. Hình tượng cây chuối mang tính mẫu gốc như vậy chắc chắn chứa trong nó các ý nghĩa riêng!
Xếp vào loài thân thảo, thân hình trụ cao từ 2 đến 4m, nhưng đó chỉ là thân giả. Thân ngầm mọc dưới đất, thường gọi là củ chuối. Hoa chuối lưỡng tính, bắp chuối là hoa đực, không sinh sản, các hoa cái nằm trên hoa đực, tạo trái chuối mà không cần thụ phấn. Hoa xếp thành hai hàng tạo thành nải chuối, mỗi buồng nhiều nải, từ 10-20 nải. Trồng chuối thường lấy loại chồi con được hình thành từ những mầm mọc trên thân ngầm. Với người nông dân Việt thì chuối là loại cây thân thiết bậc nhất. Thường vườn nhà nào cũng có vài bụi chuối.
"Chuối sau cau trước" tức chuối trồng sau nhà thì không đổ ngã khi mùa hè gió bão lại chắn gió bấc mùa đông cho cửa sau. Quả chuối là món ăn bổ dưỡng mà rẻ lại dễ kiếm. Ai cũng dùng được. Trong mâm ngũ quả người Việt (Bắc bộ) thì nải chuối là thứ quả chính để "nâng đỡ" các thứ quả khác. Thân chuối dùng để nuôi lợn (heo), thân cây chuối non thái mỏng là một thứ rau sống rất mát. Bắp chuối nấu với ốc nhồi rất ngon. Củ chuối non nấu với thịt ếch là món đặc sản...
Tươi tốt quanh năm, mỗi cây mẹ đẻ ra năm bảy cây con nên hình tượng cây chuối tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, sinh sôi "con đàn cháu đống". Những quả chuối trong nải mọc sát bên nhau gợi về biểu tượng tình đoàn kết gắn bó không rời. Thân chuối do nhiều bẹ chuối quấn tròn chặt lấy nhau biểu tượng cho sự bao bọc, bảo vệ, che chắn trong ngoài. Trong văn hóa Việt, cây chuối tượng trưng cho tình cảm gia đình, mẹ cha, con cái đùm bọc nhau. Mỗi bụi chuối thường 3, 4 thế hệ chẳng khác gì một gia đình "tam, tứ đại đồng đường".
Cây chuối được ví như người mẹ chăm chút con, hy sinh đến mức tuyệt đối, có thân mà như không có thân. Thế nên khi tang mẹ cha, con cái phải mặc đồ xô gai thắt lưng dây chuối để nhớ về công lao sinh thành dưỡng dục. Điều này cũng cắt nghĩa trên bàn thờ đưa vong luôn phải có nải chuối xanh, hai bên ban thờ phải có hai thân cây chuối non cũng là biểu tượng cho con cái trông nom, thờ cúng cha mẹ.
Khoa học hiện đại còn lý giải nải chuối xanh và cây chuối non, ngoài nghĩa biểu trưng còn có tác dụng hút khí độc (từ người chết), do vậy từ xưa các cụ đã kiêng ăn chuối này! Đến đây đủ căn cứ để khẳng định "cây chuối" của Nguyễn Trãi có "mạch ngầm" từ văn hóa dân tộc. Là tác giả (tương truyền) của "Gia huấn ca" nói về những bài học đạo lý, nhất là về chữ Hiếu, chắc hẳn có mối liên hệ ngữ nghĩa với bài "Cây chuối"!?
Không chỉ gần gũi và thiêng liêng với vùng đồng bằng, mà còn với cả miền núi. Nhất là trong văn hóa Tày Nùng thì các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng không thể thiếu hình ảnh cây chuối. Thân, cành lá, hoa dùng để trang trí bàn thờ, để làm đồ cúng như hình ảnh ngôi nhà tượng trưng, hình các con vật quen thuộc...
Đặc biệt là hoa chuối rừng - theo quan niệm từ xa xưa là linh hồn của rừng nên không thể thiếu trong mọi buổi cúng tế. Có lẽ mang một quan niệm chung, trong các sinh hoạt tâm linh, ở cả người Kinh, Tày, Nùng đều sử dụng các bẹ chuối, thân chuối làm biểu tượng các con thuyền, con đò để người chết "sang sông" về "bên kia thế giới"...
Ở miền núi Tây Bắc nước ta có loại chuối lạ, nải chuối như bàn tay, mỗi quả như một ngón tay. Loại này cũng có nhiều bên Thái Lan, được gọi là chuối "Những bàn tay cầu nguyện" (Praying Hands). Ở nước ta (miền Bắc) đang có trào lưu tìm hoa chuối rừng làm vật phong thủy. Hoa mọc thẳng đứng, đỏ tươi tượng trưng cho dương khí, đem nguồn năng lượng tích cực cho ngôi nhà. Còn mang ý nghĩa cho sự sinh sôi nảy nở, thu hút tài lộc, vận may…