Ginga Tetsudou no Yoru – Đường sắt Ngân hà (sách & anime)

Admin
Cả cuốn tiểu thuyết lẫn phiên bản anime chuyển thể của Ginga Tetsudou no Yoru (Đêm theo đường sắt lên ngân hà/Chuyến tàu đêm xuyên dải ngân hà) đều là những tác phẩm xưa cũ. Nhân dịp lục lọi phim c…

Cả cuốn tiểu thuyết lẫn phiên bản anime chuyển thể của Ginga Tetsudou no Yoru (Đêm theo đường sắt lên ngân hà/Chuyến tàu đêm xuyên dải ngân hà) đều là những tác phẩm xưa cũ. Nhân dịp lục lọi phim cũ để xem thì mình sẵn viết cảm nhận luôn.

rail - train

Với anime bình thường, ta có thể bàn thẳng về nội dung hay hình thức, nhưng trong trường hợp của Đường sắt Ngân hà (ĐSNH), đầu tiên hết vẫn cần vài dòng giải thích tại sao một tác phẩm của mấy chục năm về trước lại đáng cho hậu thế quan tâm. Bắt đầu bằng những ví dụ dễ liên hệ: khán giả ngày nay vẫn có thể thấy Đường sắt Ngân hà được nhắc đến trong manga Aria hay Shaman King. Từ anime nổi tiếng những năm 80 như Galaxy Express 999 cho đến movie giành nhiều giải thưởng của Production I.G. vào năm 2014 là Giovanni’s Island đều lấy cảm hứng đáng kể nơi ĐSNH. Ở phương diện light novel, ĐSNH đã góp mặt làm chủ đề chính cho tập 5 (Người hành hương than khóc) của Cô gái văn chương. Còn lý do đưa đẩy mình đến với tác phẩm này là vì ĐSNH đóng vai trò cốt yếu trong việc tìm hiểu anime Mawaru Penguindrum (một series mà, theo ý kiến cá nhân, mình sẵn sàng tuyển thẳng vào top 10 anime của thập kỷ).

Tại sao cuốn truyện thiếu nhi chưa tới 200 trang này lại có sức ảnh hưởng như vậy? Đơn giản mà nói thì sách Đường sắt Ngân hà của tác giả Miyazawa Kenji là một tác phẩm kinh điển. Thử tưởng tượng, nếu bên Anh có Alice ở xứ sở thần tiên, bên Pháp có Hoàng tử bé, thì đại diện của Nhật Bản với tầm vóc tương đương sẽ là Đường sắt Ngân hà. So sánh như vậy, mình cũng có ý nói rằng tác phẩm này vừa dễ thưởng thức đối với các em trẻ, vừa hàm chứa nhiều giá trị đáng cho người trưởng thành chiêm nghiệm, có khi gãi đầu bứt tóc lắm vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa.

Đối với dân tình Việt Nam thì cả anime lẫn tiểu thuyết ĐSNH đều khuất sau màn sương quá khứ mờ ảo, không mấy người hay biết. Giải thích cho việc này: tuy ĐSNH được 2 lần chuyển thể thành anime, nhưng phiên bản 1985 thì đã quá cũ, dễ bị fan anime bỏ qua, còn phiên bản 2006 thì lại CG hóa toàn bộ, như một bản sách nói có kèm hình ảnh chứ không giống phim cho lắm… Về khía cạnh xuất bản, tác giả Miyazawa đã qua đời hơn 50 năm, nên việc xin bản quyền để dịch không phải là vấn đề; ngặt nỗi lúc sinh thời Miyazawa vẫn… chưa viết xong ĐSNH, và vì thế ai muốn in sách ở Nhật hay ở nước ngoài đều phải tự sắp xếp hay biên tập gì đó mới thành được tác phẩm hoàn chỉnh (Chuyện này cũng không phải hi hữu trong giới xuất bản, điển hình như Franz Kafka với đa phần tác phẩm đều viết dở dang nhưng vẫn được xem như một tượng đài văn học). Chúng ta có thể google bản dịch ĐSNH của cư dân mạng, song muốn có được cuốn sách cầm tay trong thời buổi khắt khe này thì vẫn cần một dịch giả sẵn sàng bỏ công nghiên cứu và chú giải đích đáng cho người đọc. Để đến với tác phẩm, mình xem phiên bản anime năm 1985 và đọc bản dịch tiếng Anh là Night on the Milky Way Railway của Paul Quirk.

Một đường ray trải dài ngút mắt, đưa hành khách qua những chân trời mới mẻ, tại mỗi sân ga lại chia tay người này, gặp gỡ người kia… Chuyến tàu xình xịch chạy đi, mang theo với nó là vẻ thơ mộng của những miền đất mới và những tình cảm ấm áp sẻ chia với bạn đồng hành. Mỗi sân ga tương ứng một cột mốc trên hành trình, mỗi con người đều có một điểm để dừng chân. Trong ĐSNH, chặng đường như thế còn có thể khiến ta liên tưởng đến cuộc sống, định mệnh, hạnh phúc, cũng như cái chết khiến cho những người thân thiết phải chia lìa.

Câu chuyện trong ĐSNH kể về cậu bé Giovanni trong đêm lễ hội Nhân Mã (phỏng theo lễ hội Obon của Nhật), thay vì theo mọi người thả lồng đèn ven sông, cậu lại tìm đến khoảng trời riêng yên tĩnh tách biệt với thị trấn. Trong lúc mải ngắm nhìn sao sáng trên trời, một chiếc tàu lửa từ thinh không xuất hiện rước cậu đi trên tuyến đường sắt xuyên Ngân hà. Ở trong khoang tàu, Giovanni gặp cậu bạn Campanella học cùng lớp; hai đứa trẻ cùng nhau khám phá vẻ đẹp nhiệm màu của ngân hà và làm quen với những hành khách kỳ lạ như bước ra từ thế giới trong mơ.

Ta cần thông cảm một chút rằng anime ĐSNH thuộc về một giai đoạn cũ của lịch sử anime. Trong thập niên 80, một số diễn biến khởi sắc có thể kể đến là sự ra đời của studio Ghibli và tác phẩm movie Akira năm 1988 làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp, lối dàn dựng, kể chuyện, bổ sung nội dung trưởng thành và tính nghệ thuật trong phim. Trước khi đến được khúc ngoặt ấy thì movie Đường sắt Ngân hà (xuất hiện năm 1985) vẫn là một con sóng lớn cần thiết trong dòng chảy anime bởi chất lượng cao của nó. Dù vẫn còn giới hạn trong con mắt của khán giả hiện đại, thì phim vẫn xứng đáng đóng vai trò chuyển giao sang thời đại mới.

Được sáng tác bởi Miyazawa Kenji, tiểu thuyết ĐSNH vốn đã pha trộn giữa khoa học và thần học, giữa triết lý sống và các yếu tố huyền hoặc (nhưng hãy bình tĩnh, nó vẫn là truyện thiếu nhi). Bản thân Miyazawa là một Phật tử mộ đạo mà tư tưởng rất tiến bộ, không chịu quanh quẩn trong cái xã hội bé nhỏ của mình. ĐSNH có nhân vật chính mang những cái tên Ý như Giovanni, Campanella, rồi cũng có nhân vật nước ngoài mang tên Nhật; nó vừa chứa đựng tinh thần Phật giáo vừa đón nhận những biểu tượng của Thiên Chúa giáo; nó dùng trí tưởng tượng trẻ thơ để mô tả những kiến thức thuộc về khoa học vũ trụ, các vì tinh tú… Miyazawa không đề cao thứ này để hạ thấp thứ kia, mà ông hướng đến sự hòa hợp của toàn thảy, hướng đến những giá trị chung của con người.

Những nhà làm phim có vẻ cũng rất hiểu ý nhà văn, qua việc đóng góp các chi tiết mới không hề có trong truyện. Chẳng hạn, các biển hiệu trong phim được trình bày bằng Quốc tế ngữ (Esperanto), một ngôn ngữ mà Miyazawa đủ thành thạo để dịch thơ, và như tên gọi của nó: là ngôn ngữ dành cho tất cả mọi người.

Đặc biệt, nhân vật chính trong phim được thể hiện qua hình dạng… con mèo đứng trên hai chân, mặc áo quần, dù rằng về cuối còn có những hành khách hình dạng con người. Một lý do cho điều này là Miyazawa hay viết truyện thiếu nhi có những con mèo, nếu người và mèo-hình-người cùng ngồi trên một chuyến tàu thì cũng đúng với xu hướng hòa hợp đã kể ở trên của tác giả thôi. Nhưng lý do khác quan trọng hơn, như họa sĩ Masamura Hiroshi bộc bạch: “Ngay giây phút bạn xác định một khuôn mặt người cho câu chuyện này, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn câu chuyện, định nghĩa lại câu chuyện theo hình ảnh ấy của bạn, mà tôi thì muốn tránh tình trạng đó.” Thiết kế nhân vật hình mèo buộc ta nhìn vào ý tưởng đằng sau nhân vật, hơn là những biểu hiện cụ thể bề ngoài của nhân vật ấy. Cách làm nghe có vẻ lạ đời, nhưng ở mặt nào đó, nó khiến mình liên tưởng đến một manga gần đây là Oyasumi Punpun, nơi nhân vật chính được vẽ nguệch ngoạc thành hình một chú chim. Với những biểu cảm ít ỏi của “người mèo”, ĐSNH buộc khán giả kết nối với nhân vật ở một mức độ trừu tượng hơn.

Tuy nhân vật không giàu biểu cảm, nhưng bản thân tác phẩm lại đầy ắp tình yêu thương. Rất dễ liên hệ câu chuyện của Giovanni với những tình cảm của nhà văn Miyazawa dành cho người em gái đã khuất của ông. Chuyến tàu xuyên Ngân hà như mở ra một giấc mơ cho phép ông gặp lại người em, suốt thời gian ấy cũng hiểu rõ rằng định mệnh phũ phàng đang chờ ở một sân ga nào đó. (Mượn cảm hứng từ ĐSNH, anime Mawaru Penguindrum thậm chí còn mở đầu bằng việc hai người anh trai nhận tin em gái mình không sống được bao lâu, như một định mệnh mà cả hai đều muốn chống lại.) Nhân vật trong ĐSNH nói lên mong muốn được bên nhau mãi mãi trên tàu, đặt ra câu hỏi thế nào là hạnh phúc đích thực… đây đều có thể xem như trăn trở của Miyazawa về ý nghĩa sống và những cảm xúc khuấy động trong lòng. (Vì lẽ này – vì muốn tìm kiếm lời đáp cho cái chết của em gái và cho cuộc đời mình – mà bản thảo sách được sửa đi sửa lại rất nhiều lần, mãi đến khi Miyazawa qua đời vẫn chưa kịp hoàn thành.) Bề ngoài cái phim vẫn có vẻ rất thiếu nhi, nhưng một khi hiểu được ý nghĩa chuyến tàu, ta cũng sẽ cảm nhận được một nỗi buồn bao phủ, một cảm giác vương vấn, ngậm ngùi gắn liền với hành trình cuộc sống.

rail - camp

Nếu có ai hứng thú với văn học thì mình giới thiệu đọc cuốn tiểu thuyết, sẽ nắm rõ hơn về tác giả (và nếu dịch giả chú giải tốt thì sẽ biết được các ẩn ý của nhiều hình tượng trong suốt chuyến đi). Nếu hứng thú với anime thì phiên bản điện ảnh Ginga Tetsudou no Yoru / Night on the Galactic Railroad (1985) cũng đáng được giới thiệu. Đừng tưởng là cũ kỹ, bản anime này vẫn quyết tâm dùng ngôn ngữ điện ảnh để thể hiện câu chuyện, dùng hình ảnh thay cho những đoạn giải thích, độc thoại của tiểu thuyết. Sáng tạo của bản phim càng làm bật những chi tiết kỳ ảo; mức độ mộng mị của tình tiết phần nào rất giống Alice in Wonderland của Disney, nhưng ít hoạt họa hơn, và chú trọng cảnh vật hơn là sinh vật. Ứng với hình thức ấy là phần nội dung liên quan chặt chẽ với bầu trời, ngôi sao, tình bạn, cuộc sống… một lần nữa khiến mình muốn nhắc lại tựa truyện Hoàng tử bé.

Câu chuyện của Đường sắt Ngân hà chắc chắn có cá tính riêng, nhưng có lẽ không nhiều người biết đến; mình chỉ cố gắng so sánh và diễn tả lại đại khái cho dễ hình dung. Phim và sách đều hơi khó tìm (bản thân mình chỉ coi phim qua youtube), nên mình không hy vọng sẽ thuyết phục được nhiều người đón nhận tác phẩm. Chỉ cần có thêm người biết đến, và trông thấy bộ phim này khi nhìn về lịch sử anime, thì cũng vui rồi.

(Với lại, tác phẩm này cũng vào hàng kinh điển, sức ảnh hưởng rộng, nên nếu lần sau có ai bắt gặp chi tiết về đoàn tàu+vũ trụ+ẩn dụ cuộc sống trong tác phẩm của người Nhật, rất có thể nguồn cảm hứng đến từ câu chuyện Đường sắt Ngân hà này đây.)

=========
Link tham khảo:
Fantastic Memes’ The Anime Adaptations of Miyazawa Kenji Background and Context

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)